Giá sắt thép và phôi thép nhập khẩu tăng mạnh

Dự báo, trong tháng 3 giá thép trong nước ổn định, bởi nguồn cung tiếp tục dồi dào, nhu cầu chưa tăng, bên cạnh đó giá thép thế giới trong tháng không có nhiều biến động do giá nguyên liệu ổn định, cung tăng. Tuy nhiên, thời gian tới giá thép được dự báo sẽ tăng nhẹ 1% – 2%.
Kết thúc tháng 2/2017, giá thép trong nước giữ ổn định so với tháng trước. Giá bán thép chưa tính VAT đối với thép cây thông dụng từ 9,9-10,6 triệu đồng/tấn (miền Bắc); 10-10,7 triệu đồng/tấn (miền Nam). Thép cuộn từ 10-10,6 triệu đồng/tấn (miền Bắc); 10,2-10,9 triệu đồng/tấn (miền Nam).
Tại các địa phương, cụ thể miền Bắc giá thép dao động từ 11,8 – 15 triệu đồng/tấn, miền Nam từ 12-15 triệu đồng/tấn.
Theo số liệu Bộ Công Thương, tháng 2/2017, sản lượng sắt thép thô ước đạt 409,1 nghìn tấn, tăng 41,2% so với cùng kỳ; sản lượng thép cán ước đạt 493,6 nghìn tấn, tăng 45,6% so với cùng kỳ; sản lượng thép thanh, thép góc ước đạt 348 nghìn tấn, tăng 14,9% so với cùng kỳ.
Tính chung 02 tháng đầu năm 2017, sản lượng sắt thép thô đạt 838,7 nghìn tấn, tăng 21,4% so với cùng kỳ; thép cán đạt 1002,8 nghìn tấn, tăng 35,4% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc đạt 722,2 nghìn tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Nguồn cung trong nước tiếp tục dồi dào, nhu cầu lại chưa tăng, trong khi lượng sắt thép nhập khẩu về vẫn tăng. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, hai tháng đầu năm 2017, nhập khẩu sắt thép các loại đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 0,2% về lượng và 49,3% về trị giá, tính riêng tháng 2/2017, lượng sắt thép nhập khẩu tăng 22,9% và kim ngạch 29,3% so với tháng 1, tương ứng với 1,5 triệu tấn, trị giá 831,8 triệu USD.
Giá nhập khẩu trung bình sắt thép các loại trong nửa đầu tháng 2/2017 đạt 538,4 USD/tấn tăng 56% so cùng kỳ năm 2016. Giá nhập khẩu bình quân phôi thép ở mức 378,7 USD/tấn tăng 40% so cùng kỳ năm 2016.
Dự báo, trong tháng 3 giá thép trong nước ổn định, bởi nguồn cung tiếp tục dồi dào, nhu cầu chưa tăng, bên cạnh đó giá thép thế giới trong tháng không có nhiều biến động do giá nguyên liệu ổn định, cung tăng.
Tuy nhiên, thời gian tới giá thép được dự báo sẽ tăng nhẹ 1% – 2%, bởi những yếu tố:
+ Thị trường xây dựng sẽ tiếp tục sôi động bởi số lượng dự án xây mới tại 2 khu vực thành phố lớn nhất là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh tăng trưởng mạnh trong năm 2017, khi nhu cầu nhà ở mở rộng tại cả 2 thành phố này sẽ đẩy mạnh nhu cầu xây dựng dân dụng.
+ Nhu cầu đầu tư công cũng đang quay trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu với mặt hàng thép.
+ Hiệp hội thép thế giới dự báo, thị trường thép tại các nước thuộc nhóm ASEAN 5(Thái Lan, Malasyia, Việt Nam, Indoensia, Phlippines) sẽ tăng trưởng khoảng 6% bất chấp chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc, do nhu cầu đầu tư công, mở rộng hạ tầng cơ sở lớn.
+ Quy hoạch của Chính phủ những năm tới, cho tới năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 15-20%/năm đối với thép xây dựng.
Đáng chú ý, đối với thép dài nhập khẩu, theo số liệu từ Bộ Công Thương thì thời gian gần đây nhập khẩu thép chủng loại này tăng mạnh, Bộ Công Thương đã ban hành liên tiếp các biện pháp tự vệ tạm thời để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Sau các biện pháp tự vệ tạm thời, Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với hai mặt hàng này. Theo đó, thuế suất nhập khẩu đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ là 21,3% trong vòng 1 năm, từ ngày 22/3/2017 đến 21/3/2018. Thuế suất này sẽ lần lượt giảm về 19,3% và 17,3% vào các năm tiếp theo và từ 22/3/2020 trở đi, thuế suất sẽ về 0%.
Do tình trạng nhập khẩu thép vẫn còn quá lớn, thị trường Việt Nam lại nhiều tiềm năng và liền kề với quốc gia sản xuất thép lớn nhất, có giá thành thấp nhất thế giới, doanh nghiệp Việt đã và đang phải ngày càng quan tâm hơn nữa đến “vũ khí” phòng vệ thương mại – đảm bảo năng lực cạnh tranh.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, hiện thép Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu phôi thép, thép xây dựng và thép cán nguội cho nhu cầu trong nước (khoảng 7-8 triệu tấn/năm).
Tuy nhiên, chủng loại thép tấm cán nóng là nguyên liệu đầu vào cần thiết cho nhiều ngành như sản xuất thép cán nguội, tôn mạ, ống thép, đóng tàu, cơ khí chế tạo, có nhu cầu lớn (khoảng 10 triệu tấn/năm) trong nước lại chưa sản xuất được, hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu, dẫn đến tình trạng nhập siêu cao và tạo “cửa” cho các nhà xuất khẩu thép thế giới đưa thép giá rẻ chất lượng thấp đến Việt Nam.
Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, tình trạng bán phá giá ở một số mặt hàng thép nhập khẩu đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, mất công bằng cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Để bảo vệ các thành viên và thị trường thép, Hiệp hội đặc biệt quan tâm phòng vệ thương mại và đã cùng các đơn vị thành viên đề nghị Chính phủ khởi xướng điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước với phôi thép và thép dài, tôn mạ màu; đối với tôn mạ kẽm và tôn lạnh nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc…
cafef.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *