Cần 8 đến 10 tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp nhôm

TP – Ông Đoàn Văn Kiển – Tổng Giám đốc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa cho biết: TKV đã được Chính phủ giao làm chủ trì phát triển ngành công nghiệp nhôm của Việt Nam.

Theo đó, để phát triển ngành công nghiệp nhôm, Việt Nam sẽ cần số vốn khổng lồ 8-10 tỷ USD. Theo kế hoạch phát triển ngành công nghiệp nhôm, từ nay đến sau 2010, Việt Nam sẽ tiến hành đầu tư 7 dự án khai thác bauxite và xây dung cơ sở sản xuất Alumin; trong đó, các mỏ khai thác sẽ tập trung ở Tây Nguyên (tại 2 tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng).

Các nhà máy sản xuất sẽ được xây dựng tại Tây Nguyên và tỉnh Bình Thuận. 7 dự án này do Việt Nam tự đầu tư, liên doanh với nước ngoài; quy mô vốn dự kiến từ vài trăm đến trên 1 tỷ USD/dự án.

Đồng thời, TKV sẽ đầu tư hoặc liên danh đầu tư các dự án điện phân nhôm. Cụ thể, sẽ xây dựng Nhà máy điện phân nhôm thuộc tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng với công suất đợt đầu là 100.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 250-300 triệu USD;

Nhà máy điện phân nhôm Bình Thuận: Công suất giai đoạn I là 300.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 750-900 triệu USD; Nhà máy phân nhôm Quảng Ninh: Công suất giai đoạn I là 300.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 750-900 triệu USD. Tất cả những dự án này dự kiến sẽ thực hiện sau năm 2010.

Để hỗ trợ các dự án khai khoáng, sản xuất và điện phân nhôm, TKV sẽ xây dựng một hệ thống giao thông, hạ tầng hỗ trợ sản xuất tập trung tại Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Cụ thể, sẽ xây dựng một tuyến đường sắt đôi, khổ 1435mm từ Đắc Nông – Lâm Đồng xuống Bình Thuận dài khoảng 260-280 km, tổng vốn đầu tư khoảng 1,2-1,3 tỷ USD, thời gian thực hiện dự án từ 2008-2015.

Đồng thời xây dựng cảng Hòn Hống – Bắc Bình – Bình Thuận, công suất cảng đến năm 2015 là 10 triệu tấn/năm và đến 2025 là 25 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 (đến 2015) khoảng 190 triệu USD và giai đoạn 2 (đến 2025) khoảng 170 triệu USD.

Được biết, hiện TKV đã đạt được thoả thuận với Cty nhôm Trung Quốc (Chalco) về việc khai thác boxite tại tỉnh Đắk Nông. Hai bên sẽ hợp tác đầu tư từ khai thác bôxit, luyện alumin đến điện nhân nhôm và xây dựng tổ hợp công nghiệp alumin – nhà máy điện – nhà máy điện phận nhôm.

Công suất giai đoạn đầu của nhà máy alumin khoảng 1,9 triệu tấn/năm. Ngoài ra, hai bên sẽ xem xét đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện khoảng 600 MW và nhà máy điện phân nhôm khoảng 300.000 tấn/năm.

Theo kế hoạch, TKV và Chacol sẽ thành lập Cty liên doanh khai thác mỏ do TKV giữ cổ phần chi phối là 51% và Chacol góp 49% vốn; Cty liên doanh alimin do Chacol giữ cổ phần chi phối là 60%, phần còn lại là của TKV.

Gần đây, TKV cũng đã ký hợp đồng với Tổng Cty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) nhằm khảo sát, thiết kế xây dựng tuyến đường sắt Đắk Nông – Bình Thuận.

Nguồn: Báo tiền phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *